Tranh chấp trong triều đình Đường_Đức_Tông

Jian Zhong Tong Bao

Ngay sau khi lên ngôi, do không đồng nhất ý kiến với tể tướng Thường Cổn trong việc thực hiện tang lễ cho vua cha; nên Đức Tông bãi chức Thường Cổn, đày đến Triều châu, sau đó phong cho người bị Cổn đuổi trước kia là Thôi Hựu Phủ về triều, phong làm Môn hạ thị lang, Đồng bình chương sự (Tể tướng).[17]. Tướng Quách Tử Nghi được phong thêm một số chức vị, tăng ấp lên 200 hộ và được Đức Tông gọi là thượng phụ; nhưng bị ngấm ngầm tước binh quyền. Các vùng đất cũ do ông này quản lý được chia cho các tướng: Lý Hoài Quang làm Tiết độ sứ các châu Bân, Ninh, Khánh, Tấn, Giáng, Từ, Thấp; Sóc Phương lưu hậu Thường Khiêm Quang làm Linh châu đô đốc, Tiết độ sứ các vùng Định Viễn, Thiệm Đức, Diêm, Hạ và Phong. Đồng thời Đức Tông cho phóng sinh một số thú nuôi trong cung, bãi lệnh các nơi cống nộp nhiều kì trân dị bảo và cho một số cung nữ được về quê. Lại hạ lệnh giết Lang Lê CánLưu Trung Dực là người trước kia từng gièm pha với Đại Tông phế bỏ ông lập con Quý phi là Hàn vương Lý Huýnh lên làm thái tử.

Mùa thu năm 779, do sự tiến cử của Thôi Hựu Phủ, Đức Tông bèn cho Dương Viêm làm Môn hạ thị lang, Đồng bình chương sự[18]; cùng lúc lại phong Thứ sử Hoài Châu Kiều Lâm làm Ngự sử đại phu bởi lời tiến cử của Trương Thiệp[19].

Cuối năm đó táng Duệ Văn Hiếu Vũ hoàng đế ở Nguyên Lăng, miếu hiệu Đại Tông. Trên đường đi, quan hữu ti tâu rằng mệnh của Đức Tông không Thích hợp đưa tang vào lúc này, nhưng Đức Tông cho rằng nên giữ đạo hiếu với tiên đế, bản thân cũng không tin vào những điều dị đoan, bèn quyết định tiếp tục đưa tang.

Tết âm lịch năm Canh Thân (780), Đức Tông cải nguyên là Kiến Trung năm đầu, tôn hiệu Thánh Thần Văn Vũ hoàng đế và bắt đầu thi hành cải cách tài chính do Dương Viêm đề xuất. Đầu tiên, Đức Tông hạ lệnh ước đinh sản của bách tính, phân ra đẳng cấp mà thu thuế, cải cách này gọi là Lưỡng thuế pháp. Theo đó, dân đinh nghèo vẫn được miễn thuế như dân đinh xuất thân từ nhà giàu. Lại quy định các châu huyện phải báo cáo số hộ giàu lên triều đình, những hộ này sẽ phải đóng thuế nhiều nhất, thương buôn, vẫn phải đóng thuế như những người khác. Mỗi năm thu thuế hai lần vào mùa hạ và mùa thu và bãi các chế độ như thanh miêu, diêm thiết, tô dung... Với cải cách này, một số hộ nghèo được giảm bớt gánh nặng do tiền thuế, nhưng nó cũng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bọn thương buôn và phú hộ, nên không được số đông bọn người này ủng hộ.

Năm 780, Thôi Hựu Phủ lâm bệnh và qua đời; Trong triều lại có tranh chấp mới. Trước đó, tể tướng Nguyên Tái bị phế và bị giết có công lớn của Tả bộc xạ Lưu Yến. Đến đây, Dương Viêm muốn báo thù cho Nguyên Tái, bèn xúi giục một số người dâng sớ nói Lưu Yến trước kia muốn phế Lý Quát để lập Hàn vương; vì vậy Yến bị biếm chức và bị bức tử cùng năm. Dương Viêm sau đó cho khôi phục lại các chế độ như dưới thời Nguyên Tái.

Hồi Hột, Khả hãn Đăng Lý bị Đốn Mạc Hạ giết. Đốn Mạc Hạ sai sứ sang nhà Đường xin cầu phong, Đức Tông phong làm Vũ Nghĩa Thành công khả hãn. Mùa hạ cùng năm, Đức Tông tôn mẹ là Thẩm thị là hoàng thái hậu (mặc dù bà đã mất tích) và truy tặng chức tước cho thân tộc Thẩm thị.

Năm 781, nữ quan Lý Chân tưởng lầm cháu gái hoạn quan Cao Lực Sĩ là Thẩm thái hậu, nên loan báo lên triều đình. Đức Tông vui mừng, cho đón vào cung Thượng Dương. Cao thị biết mình không phải thái hậu thật nên bất an, cuối cùng nói hết sự thật. Đức Tông vẫn hạ lệnh xá tội vì sợ rằng làm như vậy sẽ cản trở việc tìm thái hậu. Về sau có rất nhiều kẻ tự xưng là Thẩm thái hậu, nhưng đều là dối trá, thái hậu không bao giờ được tìm thấy nữa[20]

Tiết độ sứ Bình Lư[21] Lý Chính Kỉ dâng biểu hỏi lý do tại sao Lưu Yến lại chết, Dương Viêm lo sợ, bèn phao tin đồn, đổ hết mọi chuyện cho Đức Tông. Đức Tông vô cùng căm giận nên muốn giết Dương Viêm. Mùa xuân năm 781, Đức Tông phong Lư Kỉ làm tể tướng mới thay cho Thôi Hựu Phủ đã chết để tạo đối trọng với Dương Viêm. Nhưng Lư Kỉ là kẻ vô học thức, bị Dương Viêm khinh khi. Do đó Lư Kỉ cũng hận Dương Viêm, bèn gièm pha với Đức Tông. Kết quả năm 781, Dương Viêm bị tước chức vị rồi bị giết chết.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đường_Đức_Tông http://www.sidneyluo.net/a/a16/012.htm http://www.sidneyluo.net/a/a16/013.htm http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%...